Lịch sử Tanis

Tanis không được chứng thực rõ ràng trước thời kỳ Vương triều thứ 19 vì khi đó nó chỉ là nome[1] thứ 14 của Hạ Ai Cập[2]. Hầu hết các di tích được tìm thấy tại Tanis có niên đại trước thời kỳ Vương triều thứ 21, chủ yếu là từ những tàn tích của kinh đô Pi-Ramesses (tại Qantir) của Ramesses II. Những vị vua sau đó đã tháo dỡ ngôi đền này và đem gạch đá của chúng để xây những công trình khác tại Tanis. Những công trình thực sự đầu tiên được xây dựng tại Tanis bởi các vua thời kỳ Vương triều thứ 21[3].

Vào cuối thời kỳ Tân vương quốc, cung điện hoàng gia Pi-Ramesses bị bỏ hoang vì một nhánh sông Nin chảy qua đây đã bị bùn lấp đầy và cảng sông của nó không thể sử dụng được. Sau khi Pi-Ramesses trở nên hoang phế, Tanis trở thành kinh đô mới của các pharaon Vương triều thứ 21 và 22 (cùng với Bubastis)[2][3].

Những nhà cai trị của hai triều đại này đều tự coi mình là những người thừa kế ngai vàng hợp pháp. Họ sử dụng những danh hiệu truyền thống và thể hiện uy quyền của họ trên mỗi công trình được xây, mặc dù điều này khá là bình thường[4]. Một thành tựu đáng kể của các vị vua này là việc xây dựng và mở rộng ngôi đền lớn của thần Amun-Ra tại Tanis. Ngoài ra, họ còn cho xây dựng những ngôi đền nhỏ dành riêng cho hai mẹ con thần MutKhonsu, những người cùng với Amun-Ra, thành lập Bộ ba Theban. Nhiều người cai trị trong số này cũng được chôn cất trong một nghĩa trang hoàng gia mới tại Tanis, thay vì ở Thung lũng các vị Vua như trước đây[3].

Vị trí của Tanis trên bản đồ

Những lần sau đó, Tanis dần mất đi vị thế hoàng gia của mình, nhưng nó vẫn là nơi cư trú cho đến khi bị bỏ hoang trong thời La Mã[2].